Thân thế và cuộc đời Bảy_Viễn

Thân thế

Bảy Viễn sinh năm Giáp Thìn 1904 tại Chợ Lớn (Liên bang Đông Dương) trong một gia đình điền chủ trung lưu gốc Hoa (Cha người Trung Hoa, mẹ người Việt). Thân phụ là Lê Văn Dậu, người Triều Châu (Quảng Đông,Trung Quốc), một điền chủ Hoa kiều và cũng là một trong những đàn anh giang hồ của nhóm Nghĩa Hòa Đoàn (Triều Châu) thuộc tổ chức Thiên Địa hội.

Tuy sinh ra trong gia đình điền chủ khá giả, nhưng vì cảm thấy thiệt thòi trong việc chia gia tài, Viễn bỏ nhà đi bụi, tự lực cánh sinh, rồi thọ giáo ở nhiều võ đường khác nhau, nên ông rất giỏi võ.

Về hình thể, Bảy Viễn cao trên một mét bảy, dáng to vạm vỡ, trên khắp cơ thể đều có hình xăm (Cả một con Rồng đỏ chiếm trọn tấm lưng, đầu Rồng trên cổ, đuôi Rồng tận hậu môn, hai vai xăm hình Đầm trần truồng, bùa và đầu Rắn xăm ở đầu dương vật). Vì xăm cùng mình và là dân anh chị nên sau khi trở thành tướng lĩnh và đạt vị thế cao trong xã hội, Bảy Viễn chú trọng ăn mặc chỉnh tề khoác vẻ ngoài lịch lãm và uy nghiêm, che đi tối đa những hình xăm của mình. Về diện mạo, Bảy Viễn khuôn mặt chữ điền, lông mày rậm, tóc cứng và dày, đen nhánh, được cắt ngắn gọn gàng, tuy dân giang hồ nhưng ông rất điển trai.

Tuổi trẻ

Năm 1921, Bảy Viễn vào tù lần đầu với bản án 20 ngày tù giam khi mới 17 tuổi do phạm tội trộm xe đạp (Thời bấy giờ, xe đạp là tài sản có giá trị rất lớn, và thật ra chiếc xe đạp ấy vốn của gia đình Viễn, nhưng vì bà mẹ đem bán cho nhà bà con mà ông không biết, khi phát hiện chiếc xe đang nằm ở nhà người ta thì ông mang về, nên bị hàm oan).

Ban đầu Bảy Viễn là dân anh chị ở chợ Bình Đông, sau mới vào trung tâm thành phố Chợ Lớn làm bảo kê cho các tay xì thẩu. Đến năm 1927 thì Viễn phạm tội hành hung người khác, rồi bị bắt khi đang tá túc tại nhà tình nhân nên bị phạt giam 2 tháng tù (Lúc ấy Viễn đang làm cho một ông chủ sòng bạc người Tàu, nhưng vì mâu thuẫn mà "nện" tên chủ một trận).

Năm 1936, Bảy Viễn bị chính quyền Nam Kỳ tuyên án 12 năm khổ sai đày đi Côn Đảo do tội cướp có vũ trang ở trung tâm thành phố Sài Gòn, tuy nhiên, đến năm 1940, Viễn vượt ngục thành công về đất liền. Trong khoảng thời gian ngồi khám lần đầu này, Bảy Viễn đã hạ được một tay trùm du đãng gốc Khmer để trở thành ông vua du đãng mới, rồi còn quyến rũ và dan díu với cô vợ của một tên Thầy chú (Cai ngục), cô này rất mê Viễn nên sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ ông.

Năm 1941, Bảy Viễn bị bắt cùng Mười Trí (Huỳnh Văn Trí), một người bạn mới quen trong vụ tổ chức cướp xưởng mộc Bình Triệu. Mười Trí cũng là dân giang hồ, giỏi võ, vì bất mãn xã hội mà lập nên một nhóm cướp gây chấn động cả Sài Gòn-Chợ Lớn, vì vậy cả hai có duyên gặp và kết thân. Tòa án tuyên phạt Bảy Viễn 12 năm khổ sai cộng thêm 8 năm còn thiếu trước đây thành 20 năm. Sau đó Bảy Viễn lại vượt ngục thành công nhưng máu "phiêu lưu" vẫn âm ỉ nên Viễn và Mười Trí lại tổ chức đi cướp lần nữa, rồi lại bị bắt đày ra Côn Đảo lần thứ 3. Sau khoảng thời gian chuẩn bị chu đáo nhưng dài hơi vì vợ chồng Thầy chú đã được triệu hồi về đất liền, Bảy Viễn và Mười Trí cùng vài người bạn thân lại tổ chức vượt ngục thành công lần cuối cùng ( có tài liệu nói ông được người Nhật sau khi đảo chính người Pháp thành công thả ông ra để tính kế lâu dài). Lịch sử nhà tù Côn Đảo chỉ khoảng 10 cuộc vượt ngục thành công mà Bảy Viễn đã chiếm đến 3.

Tham gia kháng chiến

Tháng 8 năm 1945, Bảy Viễn cùng Mười Trí tập hợp lực lượng du đãng tại Sài Gòn hợp tác với Trần Văn Giàu tham gia Kháng chiến chống Pháp và trở thành Chi đội trưởng Chi đội 9 thuộc Liên khu Bình Xuyên, bản doanh đặt tại Phú Lâm (Chợ Lớn) do Ba Dương (Tức Dương Văn Dương) làm Tổng chỉ huy. Đơn vị của Bảy Viễn tuy tuân thủ chỉ thị quân sự của cấp trên nhưng lại từ chối tiếp nhận những chính trị viên do cấp trên cử xuống.[1] Tháng 10 cùng năm, Bảy Viễn đưa đơn vị rời Phú Lâm rút về mật khu Rừng Sác. Cuối tháng 11, ông được Ủy ban Hành chính lâm thời cử làm Tư lệnh tối cao các Lực lượng Kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn kiêm Chỉ huy trưởng khu Sài Gòn-Chợ Lớn.

Ngày 20 tháng 2 năm 1946, Tổng chỉ huy Ba Dương hy sinh trong một trận chống càn của Pháp ở Bến Tre, khi chỉ huy một bộ phận quân Bình Xuyên vượt sông Soài Rạp từ Rừng Sác về cứu nguy cho mặt trận An Hóa-Giao Hòa. Sau khi Ba Dương hy sinh, Bảy Viễn vận động để nắm chức Tư lệnh Bình Xuyên nhưng một số cán bộ Chỉ huy trưởng các chi đội Bình Xuyên không tán thành.

Ngày 12 tháng 4 năm 1946, tướng Nguyễn Bình, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Nam Bộ ký quyết định phong Năm Hà (Tức Dương Văn Hà, em cùng cha khác mẹ với Dương Văn Dương) làm Tư lệnh lực lượng Bình Xuyên thay cho Ba Dương. Tháng 7 cùng năm, Nguyễn Bình ký quyết định phong Bảy Viễn làm Khu bộ phó Chiến khu 7 với ý định tách Viễn ra khỏi vị trí trực tiếp chỉ huy Lực lượng Bình Xuyên và để ông không từ bỏ kháng chiến về hợp tác với PhápCộng hòa Tự trị Nam Kỳ. Trung tuần tháng 12 cuối năm, Bảy Viễn chính thức giữ chức Tư lệnh phó Khu 7, đồng thời cũng trong tháng này Đại úy Savani (Thuộc Phòng nhì Pháp, một cơ quan tình báo quốc phòng hải ngoại của Pháp) cho người ( anh em Lại Văn Sang, Lại Hữu Tài..) 5bí mật tiếp xúc với Bảy Viễn để chuẩn bị lập Chiến khu Quốc gia Rừng Sác.

Đầu năm 1948, Bảy Viễn đồng ý đi Đồng Tháp theo lời mời của Nguyễn Bình để tham gia một cuộc họp quan trọng do Nguyễn Bình chủ trì với mục đích phong Viễn chức Khu trưởng Khu 7, đồng thời giải quyết những mâu thuẫn đang tồn tại giữa Bộ đội Bình Xuyên của Bảy Viễn và Bộ đội Nguyễn Bình. Tại cuộc họp, Bảy Viễn đã trả lời rắn chắc và đanh thép các chất vấn của Nguyễn Bình về những mâu thuẫn nội bộ và tỏ ý nghi ngờ, lưỡng lự trong việc nhận chức Khu trưởng Khu 7 mà trước đó Viễn cho rằng người xứng đáng nhận chức này hơn phải là Huỳnh Văn Nghệ vì theo Viễn chiến công của Bộ đội Tám Nghệ vượt xa những chiến công của Bộ đội Bảy Viễn. Sau vì Bảy Viễn từ chối chức Khu trưởng Khu 7 và tỏ vẻ bất hợp tác nên Nguyễn Bình quyết định giải tán các đơn vị Bình Xuyên, phiên chế thành các đơn vị Vệ quốc Đoàn để phá tan âm mưu chia rẽ các Lực lượng kháng chiến và Việt Minh của Phòng nhì Pháp, mặc cho nhiều lãnh đạo chủ chốt bên phía Bình Xuyên phản đối quyết định này (Bao gồm cả Mười Trí, một trong những thủ lĩnh). Bảy Viễn phản đối quyết liệt đồng thời tố cáo Nguyễn Bình muốn thiết lập chế độ Đảng trị và củng cố uy quyền cá nhân nên đã sát hại Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ và hai lần ám sát Viễn nhưng bất thành.[1] Bảy Viễn nói với Nguyễn Bình:

"Chúng tôi không hài lòng về cung cách đồng chí đối xử với chúng tôi. Bình Xuyên đã chiến đấu từ trước khi đồng chí vào tới Nam Bộ, đồng chí không hề đề nghị giúp đỡ gì chúng tôi, mà đồng chí chỉ hạ lịnh bắt chúng tôi phải thi hành...Chúng tôi nghĩ rằng các chánh trị viên không có gì để dạy dỗ chúng tôi. Chúng tôi đã ý thức cầm súng chiến đấu vì nền độc lập của Tổ quốc, và để đòi tự do. Chúng tôi không chiến đấu cho một chế độ Đảng trị, hay để củng cố uy quyền lãnh đạo đã nhẫn tâm tàn sát đồng đội một cách tàn độc hơn là đối với quân thù..."

Bảy Viễn chất vấn Nguyễn Bình vì sao giết Giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ thì được Nguyễn Bình trả lời:

"Đó là kẻ lúc nào cũng mưu tính diệt Cộng Sản và cá nhân tôi, cho nên phải tiêu diệt."

Bảy Viễn từ chối chức Khu trưởng Khu 7 và không còn muốn hợp tác với Việt Minh. Trên đường từ Đồng Tháp về Rừng Sác, Bảy Viễn và đoàn tùy tùng bị Trung đoàn 306 của Nguyễn Bình phục kích trong đêm nhưng vì đã đề phòng nên họ thoát khỏi vòng vây.[2]

Về thành

Tuy cũng phản đối quyết định giải tán các đơn vị Lực lượng Bình Xuyên, nhưng Mười Trí vẫn trung thành ở lại quân kháng chiến Việt Minh. Rạng sáng ngày 27 tháng 5 năm 1948, sau khi Bảy Viễn âm thầm rút quân rời chiến khu Đồng Tháp đã được Mười Trí mời đến Tổng hành dinh đồng thời cũng là nhà của ông ở Đông Thành (Chi đội 4) tá túc, nhằm thuyết phục Viễn quyết định kỹ trước khi quá muộn. Đêm ấy, bà vợ Mười Trí đãi hai anh em bữa cơm thịnh soạn. Mười Trí vì tình bạn, tình anh em từng cùng nhau vào sinh ra tử, từ đi cướp, vô tù đến chiến đấu trên mặt trận, đã khuyên Bảy Viễn nên suy nghĩ thấu đáo và nhất là nên ở lại vì "còn nước còn tát", nếu xảy ra chuyện thì Mười Trí sẽ đứng ra bảo lãnh bất kể hậu quả. Cảm động, Viễn tuy vẫn chưa phục, nhưng hứa hẹn sẽ suy nghĩ kỹ.

Tập tin:Bảy Viễn 7.jpgBảy Viễn trước khi đọc diễn văn

Cùng đêm, khi Bảy Viễn đang say giấc, Mười Trí cho gọi thuộc cấp đến, ra lệnh thông báo rằng các lực lượng Bình Xuyên khác ai ở đâu thì ở yên đấy, không được tự ý rời đi khi không có lệnh của ông, nhằm làm giảm tối đa thiệt hại cho quân đội Việt Minh.

Sáng hôm sau, khi cùng nhau dùng bữa cơm gia đình thân tình cuối cùng, Bảy Viễn thông báo đã suy nghĩ kỹ, Viễn quyết định ra đi, trở về Sài Gòn vì không thể sống chung với những người mà ông xem là bất công và xảo quyệt. Mười Trí đã tiên liệu trước, nên dù rất thất vọng về Bảy Viễn và về sự bất lực của mình, vẫn đồng ý tiễn Viễn đi một đoạn dài đến tận xã Hưng Long (Bình Chánh), kể từ đó, cả hai thuộc hai chiến tuyến khác nhau. Mười Trí có làm một bài thơ cảm động về hoàn cảnh này. Điều đặc biệt, bài thơ vẫn được lưu truyền đến nay, gần thị trấn Cái Tàu Hạ, nhiều cụ cao niên vẫn thuộc bài thơ ly biệt của Mười Trí.

Tập tin:Bảy Viễn 5.jpgBảy Viễn đọc diễn văn

Vào lúc 13 giờ trưa ngày 12 tháng 6 năm 1948, qua sự trung gian móc nối của Đại úy Savani Trưởng phòng nhì Pháp cùng Thiếu úy Cistisni, Bảy Viễn và người cố vấn Lại Hữu Tài của ông đến một địa điểm cách đồn An Phú khoảng 2 cây số thuộc quận Cần Giuộc họp với 2 sĩ quan Pháp bàn việc trở về hợp tác với Chính phủ Quốc gia. Ngày 13 tháng 6, Bảy Viễn mở cuộc hành quân tái chiếm Rừng Sác nhưng bất thành vì tướng Nguyễn Bình đã đánh chiếm vào ngày 19 tháng 5 trước đó và đã cho củng cố chiến khu này rất chặt chẽ.

Ngày 17 tháng 6, Bảy Viễn tuyên bố Lực lượng Bình Xuyên trở về hợp tác với Chính phủ Quốc gia, cùng mang theo 280 vũ khí đủ loại đặt bản doanh tại số 31 đường Canton. Sau khi về hợp tác với Pháp và Chính phủ Quốc gia, ngày 1 tháng 8 cùng năm Bảy Viễn được Tướng Pierre Boyer de Latour gắn lon Đại tá và thuộc quyền Tổng trấn Nam Phần.

Sau khi Bảy Viễn về thành, phần lớn Lực lượng Bình Xuyên được tổ chức lại và phiên chế thành các Vệ quốc đoàn, bộ phận còn lại do Viễn chỉ huy ly khai Việt Minh để tham gia chính quyền Quốc gia Việt Nam đã trở thành lực lượng Bình Xuyên được biết đến nhiều nhất vào thập niên 1950. Nhóm Bình Xuyên ly khai còn là một lực lượng quân sự bổ sung nằm trong khối Liên hiệp Pháp dưới danh xưng "Công an xung phong", nắm quyền kiểm soát toàn vùng Sài Gòn-Chợ Lớn.

Tập tin:Bảy Viễn 9.jpgBảy Viễn trong cuộc phỏng vấn năm 1953

Năm 1949, Bảy Viễn cho xây Tổng hành dinh phía bên kia Cầu chữ Y (Hướng quận 8 ngày nay, vị trí sát dạ cầu, bị phá hủy sau khi tướng Dương Văn Minh đánh bại quân Bình Xuyên). Viễn cũng là người bảo trợ cho ngôi chùa Bảo Quốc ở gần đấy (Bảo Quốc tự, nay cải danh là chùa Linh Phước, tọa lạc tại số 139 đường Dạ Nam, quận 8).

Tập tin:Bảy Viễn 16.jpgBảy Viễn và quân Bình Xuyên của ông đứng gần Tổng hành dinh ngay cạnh Cầu chữ Y

Theo báo Người Lao Động thì Bảy Viễn sở hữu một ngôi biệt thự sang trọng ngay trung tâm thành phố Đà Lạt, tọa lạc tại số 10 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mà ngày nay, một phần diện tích bên phải trong khuôn viên biệt thự được sử dụng làm trụ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, những phần còn lại được giữ nguyên vẹn.[3]

Ngày 1 tháng 1 năm 1951, Bảy Viễn đứng ra mở sòng bạc Casino Cloche d'Or (Sau cải danh Kim Chung). Sau đó, Bảy Viễn được Quốc trưởng Bảo Đại phong Nam tước của Hoàng gia và nhận làm em nuôi dù Bảo Đại nhỏ tuổi hơn Viễn nhiều. Thời đó, người ta cho đấy là vinh hạnh lớn của Bảy Viễn, khi một tướng cướp võ biền gốc giang hồ lại được một cựu Hoàng đế nhận làm em nuôi và kết giao, nhưng ai cũng biết, Bảo Đại tiêu tiền như nước, không bao giờ là đủ khi đồng lương Pháp trả không là gì so với cuộc sống Đế vương của ông ta, còn Viễn đã trở thành một đại tư sản nhờ việc kinh doanh các sòng bạc lớn, Bảo Đại vì tiền, Bảy Viễn vì quyền.

Tập tin:Bảy Viễn và thân hữu Pháp 1.jpgKý giả Pháp Jacques Chancel cùng đồng nghiệp phỏng vấn Bảy Viễn tại Tổng hành dinh năm 1953

Ngày 22 tháng 4 năm 1952, Quốc trưởng Bảo Đại phong Bảy Viễn lên cấp Thiếu tướng (Major-général) Quân đội Quốc gia và bổ nhiệm vào chức vụ Tổng trấn Sài Gòn-Chợ Lớn[4] kiêm nhiệm vụ trông coi ngành An ninh - Cảnh sát, nên sau đó Bảy Viễn giao chức Giám đốc Công an Ðô thành cho thuộc cấp Lại Văn Sang (Anh ruột Lại Hữu Tài, cố vấn của Bảy Viễn).

Bằng thế lực của mình, Bảy Viễn thâu tóm sòng bạc Đại Thế giới (Casino grand Monde), đồng thời làm ngơ cho khu mại dâm Bình Khang công khai hoạt động. Có tài liệu còn cho thấy Bảy Viễn móc nối với tên trùm Franchini người đảo Corse (Pháp) - và cũng là chủ sở hữu đương thời của Khách sạn Continental - để buôn thuốc phiện và ma túy từ Tam Giác Vàng - qua Việt Nam - tới Âu Mỹ. Theo các tài liệu trong Trung tâm Lưu trữ quốc gia thì Lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn còn tham gia vào rất nhiều các ngành kinh doanh và khai thác khắp Nam Kỳ, nhưng Lực lượng Bình Xuyên do ông chỉ huy vẫn là một đơn vị độc lập.


Trong khoảng thời gian huy hoàng và vàng son khi nắm trong tay quyền lực to lớn, thao túng nhiều hoạt động kinh doanh-buôn bán, Bảy Viễn trở thành một trong những ông trùm giàu có và quyền lực nhất miền Nam Việt Nam. Trong giới giang hồ miền Nam trước năm 1975 thì Bảy Viễn là người thành công nhất về quyền lực, sự giàu sang cũng như đạt đến đỉnh cao danh vọng.

Tháng 9 năm 1954, Bảy Viễn cùng tướng Nguyễn Văn Hinh và tướng Nguyễn Văn Xuân vào Dinh Độc Lập để hội kiến Thủ tướng đương nhiệm Ngô Đình Diệm, nhưng rồi từ chối lời mời của vị Thủ tướng về việc sáp nhập Lực lượng Bình Xuyên vào Quân đội Quốc gia. Ngoài ra, Bảy Viễn còn yêu cầu được tham chính và đưa ra yêu sách lập Nội các mới, nên sau đó Diệm cương quyết từ chối không cho Bảy Viễn tham gia chính phủ, vì theo ý của Bảo Đại, ông cựu Hoàng đế này muốn Viễn nhậm chức Bộ trưởng Nội vụ, Bảo Đại thậm chí còn muốn đưa Bảy Viễn lên làm Thủ tướng trong trường hợp loại bỏ Ngô Đình Diệm khi mâu thuẫn giữa Diệm và ông cựu Hoàng lên đến đỉnh điểm.

Tình hình ngày càng gay cấn, Bình Xuyên và các giáo phái khác như Cao Đài, Hòa Hảo muốn giữ nguyên lực lượng riêng của mình với lý do quân đội họ có lối đánh riêng, nếu sáp nhập vào Quân đội Quốc gia, e là sẽ mất đi hiệu năng chiến đấu. Nhưng vì Thủ tướng Diệm không nhượng bộ, nên cả Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo cùng một số lực lượng khác đã cùng họp bàn ra quyết định thành lập Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia vào ngày 4 tháng 3 năm 1955 với chủ tịch là Hộ pháp Phạm Công Tắc nhằm chống đối chính phủ mà Thủ tướng Diệm điều hành thay Quốc trưởng Bảo Đại đang công du ở Pháp.

Bị trấn áp và lưu vong

Mặt trận Thống nhứt Toàn lực Quốc gia gửi tối hậu thư buộc chính phủ phải có danh sách Nội các mới trước ngày 26 tháng 3 năm 1955, nhưng vì Nội các Ngô Đình Diệm không chịu nhượng bộ nên ngày 28 tháng 3 quân Bình Xuyên đã mở cuộc tấn công Bộ Tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập, sang tháng 4 thì tấn công thành Cộng Hòa nhưng bị các đơn vị Nhảy dù Quân đội Quốc gia do Đại tá Đỗ Cao Trí chỉ huy sau năm ngày đã đánh bật ra khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn. Quân đội Quốc gia phản công, đáng kể nhất là lực lượng người Nùng thiện chiến của Ngô Đình Diệm đã đánh sang tận Tổng hành dinh của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y khiến lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn-Chợ Lớn và rút về mật khu Rừng Sác, hai bên sau đó vẫn giằng co suốt nhiều tháng trời. Thủ tướng Diệm quyết định đóng cửa các sòng bạc do Bình Xuyên điều hành, giải tán khu mại dâm Bình Khang, cho quân đội tấn công quân Bình Xuyên và các giáo phái, đồng thời đặt Bảy Viễn và các thuộc cấp là Lại Văn Sang và Lại Hữu Tài ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 21 tháng 5, Bảy Viễn và các thuộc cấp bị truy tố trước Tòa án Quân sự về các tội danh phá hoại và phản quốc. Ngày 21 tháng 9, Thủ tướng Diệm tổ chức Chiến dịch Hoàng Diệu (1955) do Đại tá Dương Văn Minh chỉ huy để truy kích tàn quân Bình Xuyên đang cố thủ tại mật khu Rừng Sác. Bảy Viễn may mắn được Pháp giúp giải thoát và đưa sang Pháp bằng phi cơ, kể từ đây Viễn bắt đầu cuộc sống lưu vong.

Ngày 13 tháng 1 năm 1956, Bảy Viễn và các thuộc cấp (Đã lưu vong) bị Tòa án Quân sự tuyên án tử hình khiếm diện về tội danh phá hoại và phản quốc, tước binh quyền và tịch thu tài sản.

Sau khi lưu vong, dù sống nơi xứ người, Bảy Viễn vẫn luôn dõi theo tình hình chiến sự ở Việt Nam. Theo các tài liệu và thư từ còn lưu giữ được bảo tồn ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia hiện nay, thì sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ, từ năm 1964 đến năm 1970, Bảy Viễn liên tục gửi nhiều bức thư cho chính quyền mới ở Nam Việt Nam, phần lớn mang nội dung rằng Viễn xin được cùng gia đình hồi hương, trở về Việt Nam cũng như xin được giao hoàn một phần tài sản nhất định để sinh sống như những công dân bình thường, và cam đoan không can hệ đến chuyện quốc sự của chính phủ, nhưng nếu chính quyền mới có thiện ý mời ông làm cố vấn để tiếp tục đối kháng với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền Bắc, thì dù có tuổi cao sức yếu, Viễn vẫn vui lòng góp sức. Tuy nhiên, những bức thư với lời lẽ trang trọng này lại không được đón nhận, và Bộ nội vụ chính quyền Sài Gòn cũ thậm chí còn xếp xó vào kho lưu trữ tư liệu dưới dạng văn bản mật. Ngoài thư từ ra, có hẳn một công văn của Bộ nội vụ Việt Nam Cộng Hòa đề cập đến vấn đề lo ngại việc ông Lê Văn Viễn giữa các năm 1965 và 1968 đã thực hiện những chuyến du lịch đến các quốc gia láng giềng lân cận như Thái Lan và Campuchia, nhưng thực chất là đến tham dự các cuộc họp của các nhóm chính trị lưu vong ở hải ngoại.Ông sống những năm tháng cuối đời trong một biệt thự ở ngoại ô nước Pháp.

Năm 1972, Bảy Viễn từ trần tại Paris, Pháp, hưởng thọ 68 tuổi.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bảy_Viễn http://www.hoahao.org/D_1-2_2-188_4-2488_5-50_6-1_... http://nld.com.vn/phong-su-ky-su/di-tim-ma-trong-n... http://nld.com.vn/van-hoa-van-nghe/truong-minh-quo... http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/101940/cai-chet-am-... https://id.loc.gov/authorities/names/n88205580 https://web.archive.org/web/20140731021326/http://... https://hoahao.org/p74a2688/2/12-nhung-mau-chuyen-... https://isni.org/isni/0000000027586663 https://viaf.org/viaf/68029109 https://www.wikidata.org/wiki/Q6507856#identifiers